Kịch bản tối ưu chi phí để Việt Nam đạt ‘Net Zero’ vào 2050

Tăng điện tái tạo và điện hóa giao thông – công nghiệp để đạt đỉnh phát thải vào 2030 là kịch bản tối ưu để trung hòa carbon vào 2050.

Báo cáo “Triển vọng Năng lượng Việt Nam – Đường đến Phát thải ròng bằng không” (EOR-NZ) do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) kết hợp cùng Cục Năng lượng Đan Mạch, Đại sứ quán Đan Mạch vừa phát hành đánh giá Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trung hòa carbon (Net Zero) vào năm 2050.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này thì phát thải CO2 cần đạt đỉnh vào năm 2030 và quá trình chuyển đổi năng lượng xanh cần được thực hiện nhanh hơn trước đây.

Trong đó, EOR-NZ khuyến nghị lựa chọn tốt và hiệu quả nhất về chi phí là mở rộng quy mô điện mặt trời và điện gió, giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, đồng thời điện hóa ngành giao thông vận tải và công nghiệp.

“Việt Nam có tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào và chuyển đổi xanh sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững cho toàn xã hội”, ông Kristoffer Böttzauw, Cục trưởng Cục Năng lượng Đan Mạch nhận định.

Các tua-bin điện gió dọc cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đoạn qua huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Việt Quốc

Các tua-bin điện gió dọc cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đoạn qua huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. 

Cụ thể, để phát thải đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 và trung hòa khí hậu vào năm 2050 thì cần có thêm 56 gigawatt (GW) điện tái tạo – gồm 17 GW điện gió trên bờ và 39 GW điện mặt trời – vào năm 2030.

Như vậy, mức khuyến nghị này cao hơn cơ cấu công suất các nguồn điện đề ra trong Quy hoạch điện VIII. Theo Quy hoạch, đến 2030, điện mặt trời đạt 12.836 MW (12,8 GW), chiếm 8,5% tổng công suất. Điện gió trên bờ và ngoài khơi lần lượt 21.880 MW (21,88 GW) và 6.000 MW (6GW), chiếm 18,5% tổng công suất.

Báo cáo khuyến nghị Việt Nam bắt tay ngay vào việc xác định các địa điểm cho phát triển điện gió ngoài khơi, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cảng và củng cố hệ thống lưới điện truyền tải. Đặc biệt, sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng và có thể dự đoán để thu hút các khoản đầu tư lớn vào điện gió ngoài khơi.

Bởi lẽ, bất kỳ sự chậm trễ nào trong quá trình chuyển đổi sẽ gây ra “các chi phí tốn kém không cần thiết” do những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu. “Việc tích hợp một lượng lớn các nguồn điện biến đổi vào lưới điện đòi hỏi các hành động kiên quyết”, báo cáo nêu.

Song song quá trình này, các nhà máy điện than cần trở nên linh hoạt hơn để khi cần có thể giảm công suất nhằm ưu tiên cho các nguồn điện xanh phát lên lưới, đồng thời vẫn đảm bảo nguồn dự phòng cần thiết cho đến khi các giải pháp lưu trữ và các giải pháp khác có thể được triển khai.

Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz cho rằng việc chuyển đổi nhanh chóng, mạnh mẽ và bền vững không chỉ quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu năng lượng ngày càng tăng mà còn giúp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, khi việc tiếp cận năng lượng tái tạo ngày càng trở nên quan trọng trong các quyết định đầu tư.

Để lại bình luận

Đã thêm vào giỏ hàng

Scroll
0966589926
0966589926